Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là GACC), thông qua tham vấn hữu nghị về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với nhập khẩu sản phẩm tổ yến (sau đây gọi là tổ yến) từ Việt Nam sang Trung Quốc, thỏa thuận như sau:
Hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc
Điều 1: Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm kiểm dịch, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y cho tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.
Điều 2: Các nhà xuất khẩu và đại lý xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc phải được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và báo cáo GACC để lập hồ sơ.
Điều 3: Việc sản xuất và chế biến tổ yến để xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các quy định có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc về kiểm dịch, kiểm tra và an toàn thực phẩm.
Các nhà nuôi yến phải được đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và được GACC đưa vào hồ sơ.
Các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với GACC theo Quy định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Đăng ký và Quản lý nhà sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài.
Sản phẩm từ các cơ sở chưa đăng ký với GACC sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ sở phải có năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả đối với tổ yến.
Điều 4: Bộ NN & PTNT sẽ cung cấp cho GACC các luật, quy định hành chính, tiêu chuẩn liên quan đến tổ yến, cũng như các chỉ tiêu xét nghiệm, phương pháp, quy trình và tiêu chuẩn áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Các chỉ tiêu về vi rút Cúm gia cầm, Newcastle, nitrite và kiểm tra cảm quan, v.v., phải được đưa vào tiêu chuẩn.
Điều 5 : Cục Thú y Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm sau:
(1) Thực hiện kiểm dịch và kiểm tra tổ yến theo quy định của pháp luật có liên quan của Trung Quốc và Việt Nam.
(2) Chứng nhận tổ yến được sản xuất, chế biến theo hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, được xử lý nhiệt hiệu quả để không bị nhiễm bất cứ mầm bệnh nào gây hại cho sức khỏe gia cầm hoặc con người và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và quy định của hai bên.
(3) Chứng nhận tổ yến đã được xử lý hiệu quả và vệ sinh.
(4) Chứng nhận bao bì bên ngoài và container vận chuyển tổ yến đã được khử trùng.
(5) Khi phát hiện sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc không đạt yêu cầu, Cục Thú y Việt Nam phải giám sát các cơ sở liên quan để có các biện pháp khắc phục, bao gồm cả việc bắt buộc thu hồi các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm và có thể bị ô nhiễm. Đối với các cơ sở không hoàn thành việc khắc phục sai lỗi một cách hiệu quả, Cục Thú y Việt Nam sẽ đình chỉ xuất khẩu tổ yến của các cơ sở này và thông báo kịp thời cho Trung Quốc.
Điều 6: Bộ NN&PTNT sẽ,
(1) Xây dựng qui định phòng chống dịch bệnh và quản lý nhà yến;
(2) Xây dựng quy trình vận hành để kiểm soát vệ sinh đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển;
(3) Hằng năm, xây dựng và thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng và kế hoạch giám sát, kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm tổ yến, bao gồm số lượng mẫu hợp lý từ nhà nuôi yến để xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm và Newcastle.
Chương trình, kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện phải được gửi cho GACC sau khi kết thúc ba tháng.
Điều 7:Các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà nuôi yến đã đăng ký đến khi xuất khẩu, bảo đảm sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và thu hồi kịp thời khi có sự cố.
Điều 8: GACC sẽ cấp giấy phép kiểm dịch cho tổ yến nhập khẩu, ngoại trừ sản phẩm tổ yến chế biến sâu và đóng hộp ăn liền. Nếu không có giấy phép, tổ yến sẽ bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.
Điều 9: Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đóng gói bằng vật liệu mới, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế. Bao bì bên trong và bên ngoài của tổ yến phải được niêm phong và ghi rõ tên và trọng lượng của sản phẩm, tên và số đăng ký của nhà nuôi yến, tên và địa chỉ, số đăng ký của cơ sở chế biến, điều kiện bảo quản, ngày sản xuất và các thông tin liên quan khác bằng tiếng Trung và tiếng Anh và phù hợp với luật pháp, quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu liên quan của Trung Quốc.
Điều 10: Mỗi lô hàng tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải kèm theo một bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y và Giấy chứng nhận xuất xứ. Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y phải được cấp bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Hình thức và nội dung của Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y sẽ được hai bên thống nhất trước. Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y do Việt Nam cấp sẽ nêu rõ: Số đăng ký của nhà yến, cơ sở chế biến và nguồn nguyên liệu thô;
Các biện pháp phòng ngừa cần thiết đã được thực hiện để phòng ngừa virus Cúm gia cầm; Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn liên quan, các yêu cầu của Việt Nam và Trung Quốc;
và, Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phù hợp cho tiêu dùng của con người. Bộ NN& PTNT sẽ cung cấp mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, mẫu dấu, mẫu chữ ký tay của cán bộ có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận và thông tin của Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cùng các tài liệu liên quan khác, và thông báo cho GACC trước một tháng nếu có bất kỳ thay đổi và chỉnh sửa nào đối với các tài liệu này.
Điều11: GACC sẽ thực hiện kiểm dịch và kiểm tra tổ yến khi nhập khẩu. Chỉ những tổ yến phù hợp luật pháp, quy định, tiêu chuẩn liên quan và yêu cầu của Trung Quốc mới được phép đưa vào Trung Quốc.
Điều 12: Trong trường hơp phát hiện tổ yến nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư này, GACC có quyền tạm giữ, trả lại, tiêu hủy hoặc thực hiện các hành động cần thiết khác đối với tổ yến nhập khẩu đó và thông báo cho Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện các biện pháp quan trọng để điều tra nguyên nhân theo yêu cầu của GACC và phản hồi kết quả kịp thời. Bộ NN& PTNT sẽ xác nhận tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm và Newcastle theo các qui định tại Bộ luật động vật trên cạn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) và báo cáo không có ca bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trong khu vực có các nhà nuôi yến trong thời gian mười hai (12) tháng vừa qua.
Nếu bệnh Cúm gia cầm, Newcastle hoặc các dịch bệnh lớn khác xảy ra tại các nhà nuôi yến cung cấp nguyên liệu thô hoặc sự cố về an toàn thực phẩm đe dọa sức khỏe con người xảy ra tại cơ sở chế biến, Bộ NN& PTNT sẽ thông báo cho GACC trong vòng hai mươi tư (24) giờ sau khi xác nhận, tạm ngừng xuất khẩu mọi sản phẩm từ các cơ sở có liên quan sangTrung Quốc, thu hồi các sản phẩm có thể bị ảnh hưởng và cung cấp cho GACC các biện pháp gần nhất đã được thực hiện. GACC sẽ đánh giá tình hình Cúm gia cầm và yêu cầu cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được trang bị các thiết bị xử lý nhiệt có liên quan.
Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được xử lý nhiệt để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm không thấp hơn bảy mươi độ C (70oC) và duy trì trong ít nhất ba phẩy năm (3,5) giây để bảo đảm diệt virus Cúm gia cầm hiệu quả. Để tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ NN& PTNT phải thông báo cho GACC và đạt được sự chấp thuận của GACC. Tổ yến chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi có đánh giá về an toàn thực phẩm. Căn cứ vào tình tình dịch bệnh động vật và an toàn thực phẩm ở Việt Nam, GACC có quyền tạm ngừng nhập khẩu tổ yến có liên quan.
Điều 13: Việt Nam phải bảo đảm rằng hệ thống quản lý an toàn tổ yến của mình luôn hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và quy định của Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, GACC có thể tiến hành kiểm tra video từ xa hoặc cử chuyên gia đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá và xác minh sự tuân thủ của tổ yến. Việt Nam sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết để quá trình này diễn ra thuận lợi.
Điều 14: Tổ yến nêu trong Nghị định thư này là sản phẩm được hình thành/làm từ nước bọt của chim yến hàng hoặc chim yến cùng loại đã được loại bỏ bụi bẩn và lông chim, và an toàn cho người tiêu dùng.
Điều 15: Nghị định thư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký cuối cùng của cả hai bên và sẽ có hiệu lực trong thời hạn năm (5) năm. Nghị định thư sẽ tự động có hiệu lực trong các khoảng thời gian năm (5) năm tiếp theo trừ khi một bên nhận được thông báo bằng văn bản về việc sửa đổi hoặc chấm dứt Nghị định thư từ bên kia sáu (6) tháng trước khi hết giai đoạn hiệu lực. Nghị định thư sửa đổi sẽ có hiệu lực sau khi được sự đồng ý và ký của cả hai bên.
Điều 16: Nghị định thư được ký tại Hà Nội và Bắc Kinh, vào ngày 09 tháng 11 năm 2022, bằng hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào trong cách diễn giải, văn bản tiếng Anh sẽ sử dụng làm cơ sở.
Nguồn: https://cucthuy.gov.vn/