Thời gian gần đây, trên nhiều cánh đồng lúa huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xuất hiện nhiều người cắm cọc tre dài hơn 3 m tạo thành hàng dài hơn 100 m, sau đó dùng lưới cao 2m - 3m gắn vào rồi dùng loa phát âm thanh dụ chim yến đến rồi dùng lưới chụp bắt. Loại lưới này gọi là tàng hình do sợi nhỏ, treo lên cách mặt đất một mét, chim yến không nhìn thấy nên lao vào và dính bẫy. Tình trạng bẫy chim yến bằng lưới tàng hình thường nở rộ trong thời điểm mùa chim non ra ràng, và xuất hiện ở nhiều địa phương không chỉ riêng ở Quảng Nam.
Nạn bẫy chim yến bằng lưới tàng hình tại Quảng Nam. Ảnh Đắc Thành
Còn nhớ, cũng khoảng thời gian này năm 2019 tình trạng bẫy chim yến diễn ra ở Bình Thuận, Bình Phước, và Đăk Lăk đã khiến rất nhiều nhà yến ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng số lượng bầy đàn trong nhà yến giảm mạnh. Không những thế, tình trạng chim non đói chết cũng xuất hiện nhiều tại các nhà yến do chim bố mẹ bị bẫy bắt.
Để bảo vệ loài chim quý và giảm ảnh hưởng đến số lượng bầy đàn tại các nhà yến, các tổ chức, hiệp hội nuôi yến, chủ nhà yến và các đơn vị kỹ thuật nhà yến đã phản ánh và gởi kiến nghị đến các cơ quan chức năng để đưa chim yến vào danh sách động vật cần được bảo vệ và ngăn chặn tình trạng bẫy bắt chim yến để bán. Tháng 3/2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP đã quy định rõ về việc cấm săn bắt/ bẫy chim yến. Tại khoảng 3 điều 27 Nghị định này đã quy định "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.".
Video tình trạng bẫy chim yến tại Bình Thuận năm 2019
Bẫy chim yến để bán với giá 5 ngàn đồng/ con.
Ngoài bắt bằng lưới tàng hình, nhiều thợ săn dùng lưới rộng 2m, dài 5m, hai đầu lưới buộc vào cây sào và được cố định với hai sợi dây trên mặt đất để lật qua, lật lại. Dưới đất thợ săn dùng hai con yến làm mồi nhử, mở loa phát ra âm thanh dụ yến đến. Khi chim bay đến, thợ săn lật lưới chụp bắt. Một người chuyên bẫy chim yến cho biết bắt chim yến vào 5-7h và 17-18h hàng ngày vì thời điểm này yến đi ăn nhiều. Chim yến thường đến các ruộng lúa có nhiều côn trùng như kiến cánh, ong, chuồn chuồn kim... để bắt mồi. Do không phát hiện được lưới của thợ săn, chim thường mắc vào và không cách nào thoát ra được. Mỗi ngày, một người bẫy yến có thể bắt hàng trăm con, bán cho thương lái 5.000 đồng/con để phóng sinh, hoặc cho nhà hàng, quán nhậu.
Một người dân chở hàng trăm con chim yến mang đi bán ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Ảnh: Đắc Thành
Ông Huỳnh Ty, chuyên gia cứu hộ chim yến ở đảo Cù Lao Chàm, cho biết loài này có đôi chân ngắn, mềm, không đậu trên cành cây hay mặt đất. Khi bị bắt nhốt và phóng sinh, chim đã rất yếu, không thể tồn tại. Yến ăn côn trùng, việc đánh bắt chúng sẽ làm giảm số lượng đàn, kéo theo các loài sâu bọ phát triển nhiều hơn, ảnh hưởng đến hoa màu.
Số lượng chim yến giảm gây tổn thất lớn về kinh tế. Theo ông Cao Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm, TP Hội An, trên đảo có 11 hang yến, mỗi năm khai thác tổ hai đợt vào cuối xuân và cuối thu, giá bán loại một hơn 150 triệu đồng/kg. Do đàn suy giảm, doanh thu từ khai thác yến Cù Lao Chàm năm 2021 khoảng 47 tỷ đồng, đến nay còn 50%.
Giám đốc Nam tính toán cặp chim yến mỗi năm sinh ra 3-5 triệu đồng, chim có tuổi thọ trên 10 năm, trong khi thợ săn bắt bán 5.000 đồng/con. "Thấy họ bắt mà xót xa, nếu không ngăn chặn đàn yến tiếp tục giảm, gây thiệt hại lớn về kinh tế", ông nói và mong muốn chính quyền kiểm tra, xử phạt nạn săn bắt yến.
Chính quyền Quảng Nam vào cuộc để bảo vệ loài chim yến.
Trước tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, làm rõ thông tin trong những ngày qua, xuất hiện tình trạng chim yến bị bẫy bắt và bán tại chợ Được, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh nêu trên, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 22/5/2023. (xem chi tiết bài viết Quảng Nam: Kiểm tra làm rõ, xử lý tình trạng chim yến bị bắt và bán trái phép )
Kiểm lâm Quảng Nam tịch thu lưới tàng hình ở huyện Thăng Bình. Ảnh: Đắc Thành
Ghi nhận tình trạng bắt chim yến, Chi cục phó Kiểm lâm Quảng Nam Từ Văn Khánh cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra xử phạt. Trước đó thực hiện Chỉ thị 04 ngày 17/5/2022 của Thủ tướng, kiểm lâm đã xử lý 17 vụ vi phạm về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, phạt tiền 100 triệu đồng, thu giữ hơn 410 con chim các loại, 43 kg thịt chim, 500 m lưới tàng hình...
" Tại khoảng 3 điều 27 Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 đã quy định "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.". "
Tổng hợp