Tổ chức tài chính không đầu tư là sự thua thiệt của nghề nuôi Yến không phải vì họ cần vốn mà họ bị mất đi tính phản biện của một tổ chức chuyên nghiệp. Qua tìm hiểu các tổ chức tài chính, chưa có hồ sơ nào được vay với mục đích sử dụng vốn cho việc xây nhà Yến, một số ít có mối quan hệ với ngân hàng được hợp thức hóa bằng mục đích khác, tính chính danh của nghề chưa được công nhận.
Tại sao tổ chức tài chính không tham gia vào nghành nuôi Yến trong nhà? có thể liệt kê mấy lý do sau đây:
- Pháp luật chưa công nhận
- Thông tin về nghề nuôi yến không rõ ràng, thiếu và không có cơ sở tham chiếu
- Các chỉ số tài chính chưa được xây dựng
- Phương pháp luận không vững chắc
- Hiệu quả mơ hồ
- Đầu ra không chắc chắn
- Giá trị cốt lõi của sản phẩm chưa được chứng minh
Có quá nhiều bất cập để các tổ chức tài chính tham gia đầu tư vào ngành Yến, thông thường, để xây dựng một sản phẩm cho vay, phía ngân hàng sẽ có một bộ phận chuyên trách bao gồm pháp chế, tín dụng, kinh doanh, kế toán....tham gia .
Bộ phận này mãi mãi không bao giờ được hình thành, bởi lý do đơn giản nó không thể đi qua bộ phận pháp chế. Nó chết khi chưa được hình thành.
Tổ chức tài chính không tham gia vào ngành Yến không có nghĩa là ngành Yến bị thiếu vốn mà gặp khó, bởi lẻ các ông bà chủ nhà Yến đều là những người giàu có, việc đầu tư này đôi khi chỉ để giải trí, để chứng tỏ phước phần của ông bà để lại, một số ít đầu cơ bất động sản, số còn lại dùng ngôi nhà Yến tạo dựng cho mình một vị thế trong xã hội nhằm mục đích khác... Mỗi người mỗi cảnh nhưng chung quy họ không hoàn toàn tin vào điều họ đang làm. Có những tâm trạng khác nhau cho một canh bạc mà họ sẵn sàng chấp nhận sự thất bại như một phần của định mệnh. Việc chống lại định mệnh này rất khó, bởi lẻ nó không có một điểm tựa, mọi thứ đều chênh vênh như tưởng chừng 1 cơn gió nhẹ cũng làm đảo chiều một lập luận mà chỉ ít giờ trước đó nó là chân lý. Chính vì không thiếu vốn, nên sự thất bại của họ chỉ là chuyện nhỏ, không tác động gì đến xã hội. Và rồi không còn ai quan tâm nhiều đến nó, bởi xã hội này cón quá nhiều điều bức xúc phải lo. Chuyện kẹt xe, chuyện xăng lên giá, chuyện tăng học phí....Nó đánh vào một đối tượng cụ thể của xã hội, còn sự thất bại của nhà Yến nó như một cơn gió, rất nhẹ và êm.
Cứ như thế tỉ lệ thất bại tăng dần theo tỉ lệ tăng trưởng của ngành.
Không một ai nhìn ra sự bất thường của việc này, như tôi đã nói ở các bài trước, đây là một ngành nghề bị bỏ quên.
Ngành ngân hàng là nơi tương tác nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, do đặc tính của họ là huy động rồi cho vay lại, bởi thế họ phải am tường rất nhiều lĩnh vực để phòng ngừa rủi ro. Nếu các ngành nghề khác vẫn có thể phát triển trong đà suy thoái kinh tế thì ngành ngân hàng hoàn toàn không thể. Bất kể sự bất ổn nào đều tác động đến họ. Chính điều này biến họ trở thành nơi tập trung nhiều nhân tài nhất, họ có thể tham vấn nhiều chuyên gia hàng đầu để giúp họ nhận diện bản chất của nền kinh tế. Ngành nào sẽ bị khủng hoảng trong tương lai và khủng hoảng đến đâu. Họ am tường tất cả chính sách của chính phủ và các quốc gia khác trên thế giới. Họ đo lường rủi ro và dự báo chính xác các cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra. Ngân hàng là nơi thu thập nhiều dữ liệu nhất so với các ngành nghề khác.
Còn đâu đó những hạt sạn trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, nhưng thực chất họ vẫn là tinh anh của nền kinh tế.
Với nghề nuôi Yến trong nhà, thiếu họ là thiếu cả một xương sống để có thể tiến lên. Chúng ta vặn vẹo trong bộ khung không xương và cứ thế lao về phía trước. Tôi cứ nghĩ chúng ta đang đua với tư cách là một đấu thủ Para game trong một đấu trường Seagames
Trong tất cả các lĩnh vực đầu tư, cơ bản vốn chủ đầu tư 30%, 70% còn lại huy động từ các tổ chức tài chính. Đây là tương quan để tạo nên sự phản biện trong cùng một dự án. Chính sự phản biện này tạo nên sự thay đổi cần thiết để dự án được thành công. Chúng ta, những người nuôi Yến độc hành một mình đi tìm đến sự thành công, không ai chỉ ra cho chúng ta biết phải thay đổi như thế nào? Nên hay không nên đầu tư? Chính điều này dẫn đến sự thất bại không đáng có so với các ngành nghề khác. Làm mất đi tính cạnh tranh của một quốc gia khi mà nguồn lực đầu tư công đã là gánh nặng cho xã hội, bây giờ đến lược đầu tư cá nhân cũng bị lãng phí một cách vô ích. Thay vì có ai đó đủ dữ liệu giúp chúng ta biết phải làm sao để hiệu quả. Sự tham gia của ngân hàng là một yếu tố không nhỏ dẫn đến thành công.
Ở một khía cạnh khác, khi chúng ta tìm hiểu ở những người bạn, những nhà đầu tư đi trước, chúng ta có nhận được những thông tin ước lượng từ họ thì liệu chăng chúng ta có chấp nhận làm theo không? Chính những thông tin này càng làm người nhận hồ nghi thêm, bởi họ chẳng liên quan gì đến quyền lợi trong dự án này cả, hơn nữa thông tin ở Việt Nam thì nhiều mà tính xác thực thì rất khó kiểm chứng. Trong bối cảnh như thế chúng ta đành chấp nhận những gì chúng ta nhận định là đúng và có cơ sở nhất. Chính điều này là tử huyệt, chúng ta cứ đi theo trăm hướng, nhưng hướng thất bại luôn luôn được che dấu và ngày càng nhiều, nhiều đến nỗi đạt gần 90% nẻo đường. Nếu một ai đang muốn đầu tư vào ngành yến, nếu không tìm ra một hướng đi mới e rằng chúng ta lại đi đúng con đường trong số 90% đó.
Sự vắng mặt của ngành ngân hàng trong nghề nuôi Yến là một tổn thất to lớn, không phải do thiếu vốn, tie do thiếu thông tin, thiếu sự phản biện. Chính sự thiếu dữ liệu làm cho nghề nuôi yến mất định hướng, nghề nuôi Yến tại Việt Nam hiện nay như một con tàu xoay vòng trên đại dương, chỉ cần một cơn bão dù nhỏ, cũng bị nhấn chìm.
Nguồn: Tôm Sú