Kỹ thuật lắp đặt hệ thống âm thanh nhà yến là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của một nhà nuôi yến. Muốn nhà yến có một hệ thống âm thanh hiệu quả thì chúng ta cần phải thực hiến tốt được 03 giai đoạn: Thu hút chim về, dẫn dụ chim vào nhà và giữ chim ở lại lâu dài.
Đối với việc thu hút sự chú ý và tiếp cận của chim yến đối với ngôi nhà yến mới, chúng ta thường sử dụng hệ thống loa phóng là những loa có công xuất lớn, phóng đi xa để có thể dẫn dụ chim yến. Ngoài ra, loa lục giác có chức năng là điểm tập hợp chim yến bên ngoài trước khi dẫn dụ vào nhà. Để chim vào sâu trong nhà yến thì chúng ta sử dụng hệ thống loa rút và loa cửa. Ngay khi chim đã tập hợp ở khu vực nhà yến, loa cửa có nhiệm vụ dẫn dụ chim yến vào bên trong nhà (phòng lượn), từ đây chim có thể nghe âm thanh của hệ thống loa dẫn để đi vào các tầng, các phòng. Loa dẫn sẽ dẫn đường chim yến di chuyển trong nhà và tạo môi trường sinh cảnh về âm thanh nhằm giữ chim ở lại. Mỗi hệ thống sẽ có những dòng loa với công xuất khác nhau tùy vào chức năng. Cuối cùng, hệ thống loa ru phát huy tác dụng với chức năng giữ chim ở lại.
Kỹ thuật lắp loa nhà yến
Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng làm sao để hệ thống loa hoạt động hiệu quả thì đòi hỏi người kỹ thuật phải có kinh nghiệm, chuyên môn về kỹ thuật lắp đặt, chọn âm và canh chỉnh âm thanh nhà yến tốt. Đặc biệt, quá trình lắp đặt hệ thống loa dẫn sao cho phù hợp với thiết kế bên trong nhà yến mà không ảnh hưởng đến đường bay của chim yến. Nếu 5-7 năm trước đây, đa phần các nhà yến đều không ngăn phòng - ngăn vách thì hệ thống loa dẫn tương đối dễ, nhưng với những đổi mới trong kỹ thuật như hiện nay đòi hỏi cần có tư duy và kinh nghiệm khi lắp đặt loa dẫn.
Trong khi đó, hệ thống loa ru về mặt lắp đặt thì đơn giản hơn, nhưng việc lắp đặt phải chú ý làm sao để các line âm thanh phối giữa âm bầy đàn và tiếng mẹ con trong nhà yến được đều nhau, khi mở máy lên sẽ nghe như 1 bản giao hưởng và âm nào nghe rõ âm đó.
Hiện nay, mỗi đơn vị kỹ thuật sẽ có những cách "đi loa" khác nhau. Có người dùng phương pháp đi loa theo kiểu nối tiếp, có người mắc kiểu song song, hoặc kết hợp giữa nối tiếp và song song. Mỗi phương pháp đều có những ưu - nhược điểm khác nhau, người viết sẽ không phân tích sâu trong khuôn khổ bài viết này.
Như đã nói ở trên, việc canh chỉnh âm thanh đòi hỏi phải có kinh nghiệm, hiểu rõ về âm. Tùy theo từng dòng amply, dòng loa của các nhà sản xuất khác nhau mà cho ra những âm thanh khác nhau. Đó là chưa kể tùy từng vùng chim, mùa chim mà chọn những bộ âm phù hợp để có hiệu quả nhất. Chính vì thế có rất nhiều chủ nhà bỏ tiền ra mua những bộ âm rất hay, nhưng khi về sử dụng lại không hiệu quả vì không phù hợp.
Trong các bước về lắp đặt kỹ thuật nhà yến, có thể nói việc canh chỉnh âm thanh là khó nhất. Nó khó bởi đòi hỏi kỹ thuật phải có kinh nghiệm, phải cảm nhận được âm thanh, phải chỉnh làm sao để âm không quá to mà cũng không quá nhỏ, âm nào rõ âm đó và phát huy hết công dụng.
Canh chỉnh âm thanh nhà yến
Âm trong (âm mẹ con và âm bầy đàn) thường sẽ hoạt động 24/24, nhưng âm ngoài (loa ngoài, loa cửa) thì hoạt động 14 tiếng -16 tiếng/ ngày phụ thuộc vào khu vực nhà yến. Nếu nhà yến nằm trong hoặc ở gần các khu dân cư thì thời gian hoạt động ngắn hơn, mở âm nhỏ hơn để đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người xung quanh. Điều này rất cần thiết bởi cần đảm bảo tuân thủ theo pháp luật (quy định về tiếng ồn), quan trọng hơn là không làm ảnh hưởng tiếng ồn đối với khu dân cư xung quanh. Do đó, âm ngoài không mở quá sớm, không tắt quá muộn và tạm tắt buổi trưa để mọi người nghỉ ngơi.
Trên đây là chia sẻ về lắp đặt hệ thống âm thanh trong nhà yến, nếu bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về kỹ thuật - thiết bị - âm thanh nhà yến, vui lòng liên hệ với Tầm Cao Việt, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc về kỹ thuật nghề nuôi yến và hoàn toàn MIỄN PHÍ.