Bến Tre thông qua quy định vùng nuôi chim yến

Nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300 m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép chăn nuôi.

Nhằm triển khai, thực hiện tốt các quy định của Luật Chăn nuôi, đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi khu vực đô thị, khu dân cư và cơ cấu, bố trí sắp xếp lại khu vực chăn nuôi theo hướng xóa bỏ chăn nuôi thương mại trong khu vực đô thị, ngày 09 tháng 12 năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Cụ thể:

* Về khu vực không được phép chăn nuôi: theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) trên địa bàn tỉnh bao gồm:

- Thành phố Bến Tre, bao gồm: phường An Hội, phường Phú Khương, phường Phú Tân, Phường 4, Phường 5, Phường 6, Phường 7, Phường 8, xã Mỹ Thạnh An và xã Bình Phú và theo quy hoạch đô thị, thành phố phát triển tiếp theo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Bến Tre thông qua quy định vùng nuôi chim yến

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo Nghị quyết về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre (ảnh Đức Lộc).

- Thị trấn thuộc các huyện: được xác định theo quy hoạch đô thị thị trấn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thị xã thuộc tỉnh: được xác định theo quy hoạch đô thị thị xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các xã thuộc thành phố, thị xã, huyện, bao gồm: các công trình công cộng và điểm dân cư nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến phải là vùng nằm ngoài các khu vực không được phép chăn nuôi nêu trên. Nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300 m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép chăn nuôi.

Đối với các nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành mà nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi thì không thực hiện cưỡng chế di dời nhưng phải thực hiện các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Chăn nuôi.

* Về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi và động vật khác ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

- Điều kiện để  được nhận hỗ trợ di dời bao gồm:

+ Cơ sở chăn nuôi đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi trước ngày Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành.

+ Cơ sở chăn nuôi nông hộ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định phê duyệt thuộc diện di dời.

+ Cơ sở chăn nuôi trang trại phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt thuộc diện di dời.

- Nội dung và mức hỗ trợ

Các cơ sở chăn nuôi (trừ nuôi chim yến) khi di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 50% giá trị tài sản theo quy định đơn giá chuồng trại của Bảng giá nhà, vật kiến trúc xây dựng mới do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Tổng kinh phí hỗ trợ chuồng trại không quá 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng)/cơ sở.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân có thời gian trong việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND quy định việc kéo dài thời gian thực hiện di dời từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024; đồng thời, Nghị quyết cũng quy định rõ sẽ xử lý nghiêm đối với các cơ sở thuộc diện phải di dời theo quyết định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không thực hiện di dời theo quy định./.

 

Vĩnh Hạ

Theo Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh Bến Tre